NHỮNG HIỂU LẦM THƯỜNG GẶP KHI BẮT ĐẦU CÙNG CON HỌC TIẾNG ANH

 

1. Con chưa thích học
Vì bố mẹ chưa “gãi đúng chỗ ngứa”. Cho con học dựa theo sở thích, dùng sở thích làm phần thưởng, động lực. Ví dụ: con thích xem YouTube thì học xong được thưởng xem YouTube. Con thích vũ khí thì tìm video vũ khí bằng tiếng Anh cho con xem. Cho con thấy biết tiếng Anh thì khả năng chém gió về vũ khí của con sẽ nâng tầm, làm các bạn thấy mệt não. Nếu con chỉ biết tiếng Việt thì chỉ còn cách ngồi hóng mấy người giỏi tiếng Anh dịch cho mà biết. Con thích nấu ăn, múa, ca nhạc, bóng đá, ca sĩ Hàn Quốc đều có thể áp dụng.

Con nhỏ thì biến việc học thành việc chơi. Tổ chức các trò chơi có lồng ghép nội dung học cho con.

2. Con không chịu tự học
Tự học là một kỹ năng, phải thực hành và rèn luyện. Làm cho con thấy tự học vui, hỏi con về kiến thức con học, chăm chú nghe con chém gió, mắt chữ O mồm chữ A về những điều con biết mà bạn chưa biết, tò mò về những điều con nói, học hỏi con, đặt câu hỏi hại não để kích thích con học tiếp.

3. Nhìn con nhà người ta mà nẫu ruột
Con nhà người ta do bố mẹ nhà người ta dạy á. Nên đề nghị tuyệt đối không so sánh con mình với con nhà người ta. Nhìn thấy con nhà người ta hay thì có hai việc cần làm ngay:
- Học hỏi bố mẹ nhà người ta
- Thử xem con mình có hâm mộ con nhà người ta không, nếu có thì cho học theo.

Mình và con mình học người ta cần lưu ý: Học ít thôi, học từ từ, học cái nào phù hợp với định hướng cho con, tính cách và hoàn cảnh của mình, mỗi ngày một ít. Thường thì nhà người ta cũng phải khổ luyện dữ lắm, nên đừng mơ con mình là Thánh Gióng, vươn vai phát thành bố nhà người ta luôn.

4. Con phải ngồi học nghiêm túc
Con học càng vui càng tốt. Khuyến khích, cổ vũ con nhảy múa hát hò, vận dụng tất cả cơ thể vào việc học, con lớn ngại hát múa thì lắc lư hát nhép theo. Bạn có thể thấy là các diễn giả thường xuyên bắt mọi người phải làm nóng để làm người ta phấn khích, tập trung vào việc học đó thôi.

5. Học phải ghi chép đầy đủ từ vựng
Nên cho con đọc truyện thay vì chép tay vì đọc truyện là hoạt động nhẹ nhàng, dễ thực hiện và hấp dẫn hơn với trẻ. Đọc truyện giúp trẻ nhớ vốn từ tốt hơn là chép tay vì thời gian đọc một truyện ngắn hơn thời gian chép tay. Khi nào con tập viết rồi chép tay sau. Giai đoạn đầu con học NGHE - NÓI - ĐỌC là chính thì không nên tốn thời gian chép tay.

6. Con phải thuộc, hiểu tất cả từ vựng trong video
Con chỉ cần hiểu nghĩa câu chuyện là được. Những từ vựng thông dụng con gặp nhiều lần sẽ hiểu, bắt con thuộc, hiểu tất cả từ vựng con sẽ chán, không thích học.

7. Sắm vai cô giáo, khảo bài con
Đừng khảo bài con mà hãy chơi với con, hai bên tương tác với nhau vui vẻ. Kiểm tra con một cách thông minh, tinh tế. Con chưa nhớ thì lặp lại quy trình học nghe nói. Vui lòng không hỏi con như hỏi cung.

8. Con chưa chịu nói, nói sai
Giống như lúc con học tiếng Việt, con chưa chịu nói hoặc nói sai thì gợi ý câu nói đúng cho con.
Ví dụ:
- Đây là quả gì vậy con?
- Không biết!
- Quả cam.

9. Lồng tiếng phải có phụ đề
Những bạn đã biết chữ thấy lồng tiếng có phụ đề dễ hơn không phụ đề. Tuy nhiên, nếu con chỉ thực hành lồng tiếng có phụ đề, lâu dần sẽ có thói quen không tốt là xem phim tiếng Anh phải có phụ đề mới xem được, kỹ năng nghe và phản xạ nói sẽ không tốt như các bạn lồng tiếng theo cả hai cách có và không phụ đề.

Bài viết cùng danh mục