Minh hoạ bài thuyết trình
MINH HỌA BÀI THUYẾT TRÌNH
Khi thuyết trình hoặc tổ chức zoom, các bạn thường sử dụng sơ đồ tư duy hoặc slide để chuẩn bị nội dung. Đa số các bạn đều làm rất tốt. Bài này mình xin nói thêm một điểm các con cần lưu ý, về sự khác biệt giữa tài liệu chuẩn bị cho thuyết trình với tài liệu trình bày thông tin để các bạn chuẩn bị hiệu quả hơn.
Tài liệu (sơ đồ tư duy, slide) trình bày nội dung cần phải trình bày chi tiết nội dung thông tin. Ngược lại, tài liệu chuẩn bị cho thuyết trình chỉ cần nêu các ý chính, tóm tắt. Hiện tại, vẫn còn nhiều bạn cố gắng đưa tất cả thông tin vào tài liệu thuyết trình, làm cho tài liệu nhìn phức tạp, người nghe tập trung vào tài liệu nhiều hơn là người nói. Như vậy, người nghe đôi khi không cần nghe, chỉ cần xem tài liệu là đủ hiểu bạn muốn trình bày gì, hiệu quả bài thuyết trình - nói chuyện sẽ giảm đi rất nhiều. Bố mẹ cần giải thích cho con hiểu rõ mục đích sử dụng khác nhau nên cách trình bày hai dạng tài liệu này khác nhau rất nhiều.
Tài liệu chuẩn bị cho bài thuyết trình cần lưu ý những điều sau: tóm tắt nội dung - các ý chính, sử dụng hình ảnh minh họa, sử dụng từ - cụm từ, không sử dụng câu hoàn chỉnh. Người nói và người nghe dựa trên tài liệu để tiện theo dõi, nắm bắt các ý chính. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tài liệu sẽ không hiểu hết nội dung mà người nói muốn trình bày.
Hiện nay, một số người tham gia hội thảo có thói quen không tốt là hay làm việc riêng trong giờ hội thảo rồi cuối buổi xin tài liệu. Nếu tài liệu của bạn chuẩn bị tốt, bạn có thể chia sẻ thoải mái mà không sợ bị mất tài sản trí tuệ của mình. Ngược lại, nếu bạn đưa hết nội dung trình bày vào tài liệu, người khác chỉ cần đọc tài liệu là hiểu toàn bộ nội dung bạn muốn trình bày, thì buổi nói chuyện của bạn sẽ không có gì đặc biệt và không tạo được sự chú ý.
Cùng một tài liệu chuẩn bị, một người có thể nói 30 phút hoặc 2 giờ hoặc cả ngày cho một chủ đề. Tài liệu chuẩn bị giống như mục lục của quyển sách. Xem mục lục chỉ biết nội dung chính, muốn biết nội dung cụ thể người nghe phải tập trung vào bài nói chuyện của người nói. Các bạn cần chú ý vào điểm này để giúp bài thuyết trình, bài zoom của mình sinh động, hấp dẫn hơn.
Ảnh 1: mindmap để thuyết trình cần đơn giản
Ảnh 2: mindmap để ghi nhớ bài học, sách sẽ chi tiết hơn