TẠO ĐỘNG LỰC CHO CON NHƯ THẾ NÀO?
Động lực là nguyên nhân của hành động. Có hai loại động lực: động lực nội tại và động lực do sự tác động bên ngoài.
Động lực nội tại xuất phát từ sự thích thú, niềm vui với việc mình làm. Động lực do sự tác động bên ngoài xuất phát từ phần thưởng, kết quả lợi ích do hành động mang lại.
Tạo động lực nội tại cho con thường khó hơn sử dụng các động lực bên ngoài. Đổi lại, khi con có động lực tự thân, con sẽ có ý thức tự giác hơn đồng thời kết quả học tập cũng tốt hơn so với việc sử dụng các động lực bên ngoài.
NHỮNG CÁCH TÁC ĐỘNG GIÚP CON CÓ ĐỘNG LỰC
1. Thiết lập mục tiêu rõ ràng
- Thiết lập vài mục tiêu ngắn hạn (ngày, tuần) và một mục tiêu dài hạn (tháng, quý, học kỳ, năm học)
- Mục tiêu phải rõ ràng, có thể thực hiện được và con cần có sự nỗ lực so với khả năng hiện có
2. Khen ngợi khi hoàn thành
Bố mẹ cần khen ngợi, thể hiện sự tự hào, đánh giá cao khi con hoàn thành mục tiêu. Cần tưởng thưởng cho sự nỗ lực học tập của con.
3. Tạo ra sự cạnh tranh
Khen ngợi khi con đạt giải thưởng, chiến thắng một cuộc thi, đưa ra những nhận xét tích cực, những điểm mạnh của con, không đưa ra những nhận xét tiêu cực về đối thủ.
4. Khuyến khích động viên con
Bố mẹ thể hiện sự tin tưởng vào khả năng của con, cho con biết cảm nghĩ của bạn về những điều tích cực mà con đã làm được, giúp con vượt qua nỗi sợ, sự lo lắng
5. Quan tâm đến sở thích của con
Tìm hiểu sở thích của con, nói chuyện và lắng nghe con nói về sở thích của mình, làm cho con thấy được bố mẹ quan tâm và có thể tự do nói về sở thích của mình với bố mẹ
6. Khám phá
Khuyến khích con tìm tòi, thử nghiệm để khám phá ra niềm đam mê của mình là gì. Hỗ trợ con trong hành trình tìm kiếm và thúc đẩy con tiếp tục tìm kiếm
7. Luôn tích cực
Luôn duy trì đánh giá tích cực với sự phát triển của con. Nếu con thấy bố mẹ không hài lòng, lo lắng, con sẽ đánh mất sự tự tin.
8. Lập kế hoạch
Giúp con lập kế hoạch để hoàn thành mục tiêu, thực hiện từng bước cho đến khi hoàn thành mục tiêu
9. Kích thích
Thể hiện sự quan tâm và hứng thú với việc con đang tiến đến mục tiêu
NHỮNG CÁCH TẠO ĐỘNG LỰC NỘI TẠI CHO CON
1. Truyền cảm hứng thay vì kiểm soát
Thưởng và phạt là hình thức kiểm soát, tạo ra sức ép cho con, không tạo ra động lực nội tại cho con.
Sau khi con đã có động lực bên ngoài (thông qua khen thưởng và phạt) để thực hành một số hành động tích cực, bố mẹ cần chuyển sang hình thức tạo động lực nội tại cho con, giúp con có niềm yêu thích với việc mình làm, duy trì niềm yêu thích trong thời gian dài. Một số bố mẹ sai lầm vì bỏ luôn các động lực bên ngoài làm con mất thói quen hoặc tiếp tục sử dụng các phần thưởng ngày càng lớn, hình phạt ngày càng nặng mà hiệu quả ngày càng thấp.
- Cho con thấy sự thú vị khi học thêm được một kiến thức, kỹ năng mới, đọc một quyển sách mới
- Tạo không khí học tập thay cho việc làm bài tập, với mục tiêu học hỏi điều mới chứ không chỉ là hoàn thành bài tập
- Khêu gợi sự tò mò của con về một kiến thức - kỹ năng mới cách cho con thấy những ứng dụng của chúng
- Cho con được lựa chọn hoạt động mà con thích
- Chúc mừng khi con hoàn thành mục tiêu mà không đưa thêm các điều kiện phát sinh
- Hỗ trợ con, đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, không chỉ trích
- Khi con gặp vấn đề, hướng con sang góc nhìn đây là thử thách con có thể chinh phục, không phải là khó khăn con cần phải vượt qua
- Không xem các hoạt động của con là công việc
- Không dùng việc không làm hoạt động gì đó là phần thưởng, ví dụ không làm bài tập về nhà
2. Trao cho con quyền quyết định và để con quyết định
Nhiều bố mẹ sợ khi trao cho con quyền quyết định, con sẽ phạm sai lầm. Bố mẹ cần ghi nhớ, sai lầm là một phần trong tiến trình học hỏi của con. Vì vậy, đưa là quyết định sai lầm cũng là cơ hội để bố mẹ giúp con rút kinh nghiệm và đưa ra quyết định đúng.
Trừ trường hợp quyết định liên quan đến sự an toàn và sức khỏe của con, bố mẹ cần bình tĩnh để con quyết định và đối diện với hậu quả. Ví dụ, nếu con không chịu làm bài tập về nhà dù đã được giải thích, hãy để con đối diện với hậu quả của việc này khi đến trường.
3. Tìm một thử thách tối ưu
Bố mẹ giúp con tìm ra một thử thách phù hợp với thực tế. Nếu thử thách quá dễ, con sẽ mau chán. Nhưng nếu thử thách quá khó, con sẽ nản và nghi ngờ bản thân. Thử thách tối ưu là hoạt động khó hơn một chút so với những việc con đã thành thục nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu con cố gắng.
Điều quan trọng là bố mẹ giúp con có ý thức hoàn thiện bản thân, con có niềm tin con có thể thành thạo một kỹ năng thông qua thực hành và học hỏi.
4. Tạo sự gắn kết với bố mẹ
Dù sự đánh giá của người khác, ngay cả bố mẹ, cũng là động lực bên ngoài. Tuy nhiên, con có xu hướng hình thành động lực nội tại với những hành vi, hoạt động được bố mẹ, những người mà con tin tưởng, đánh giá cao. Bố mẹ cần giữ mối quan hệ tích cực, giúp con cảm thấy an toàn và tin tưởng vào bố mẹ.
CHIA SẺ KINH NGHIỆM TẠO ĐỘNG LỰC CHO CON
Phần này mình xin chia sẻ vài trải nghiệm giúp con có động lực.
Con tự thức dậy đi học:
- Con thấy tự thức dậy có vui không? Không phải chịu cảnh ba mẹ lâu lâu cáu gắt, mắng mỏ phiền phức
- Dạo này sáng không phải canh giờ gọi đò nữa, vui quá là lá la
Con tự đạp xe đi học:
- Tự đạp xe đi học sướng không? Không sợ thằng cha suốt ngày gào nhanh lên, lâu lâu lên cơn điên dọa cho đi bộ.
- Cho con tự đạp xe đi học ba còn khổ hơn chứ bộ! Sáng nào ba cũng phải chờ con đi học rồi chạy qua trường con, coi có xe đạp ở đó không, để yên tâm thằng quý tử của mình đến trường an toàn rồi.
- Sao con còn nhỏ mà ba bắt con tự lo hết vậy? Ba không thương con hả?
- Vì thương con nên ba mẹ mới tập cho con tự lập, sau này lỡ có tai họa gì con vẫn tự sống được, nếu con còn nhỏ về ở với bà nội, bà ngoại thì mọi người rất vui, không cảm thấy con là gánh nặng, phải đi theo lo cho con từng li từng tí.
Sau 1 tuần thanh niên được cho về ở với bà nội:
- Chú út nói con ngoan lắm, tự thức dậy, tự ăn sáng, tự lo học bài rồi chơi game, bày đồ chơi ra chơi, tới giờ tự đánh răng đi ngủ, không cần ai nhắc nhở gì hết.
Sau 1 tháng đi học nội trú kỳ hè:
- Cô chủ trường khen con quá trời luôn, thanh niên sinh hoạt khoa học nhất hệ mặt trời.
Giúp con thích đọc sách:
- Ba đang đọc gì vậy?
- Ba đọc cái này hay lắm…
- Đọc cái này để biết mình còn dốt lắm…
- Con đọc gì vậy? Kể ba nghe với. Tại sao…
Giúp con theo đuổi đam mê:
- Ba coi gì vậy?
- Ba coi về nuôi dạy con.
- Mở lại từ đầu cho con coi với.
- (Sau 5p) Thôi ba coi chi nữa, mấy cái này ba làm với con hết rồi.
- Phải coi cho hết để coi người ta nói có gì mới không.
...
- Con lạy ba luôn! Ba giống như bị ám ảnh. Chuyện gì ba cũng liên tưởng tới homeschool với học tiếng Anh được hết.
Giúp con kiên trì thực hiện điều con không thích
(Dùng động lực bên ngoài trước khi con có động lực bên trong):
- Lập mục tiêu hàng tuần
- Theo dõi thực hiện
- Phần thưởng
- Khen ngợi động viên khi những việc làm của con mang lại kết quả tích cực
Ví dụ:
Con không thích học tiếng Anh nhưng thích bóng đá, mình đăng ký cho con tham gia buổi sinh hoạt bóng đá có người nước ngoài và khen con đã chăm chỉ học tiếng Anh - có thể giao tiếp với các bạn nước ngoài
Con không thích zoom nhưng nhờ zoom con tự tin đứng đọc thông báo cho cả trường, nói cho con biết có bạn rất quý con và gọi con là thầy, mỗi buổi đều ngồi nghe và nhận xét - góp ý cho con, mẹ nhận xét cách kết thúc buổi zoom của con quá hay - mẹ phải học hỏi, hàng tuần tổng kết trả tiền để con tiêu vặt và cảm ơn con.
_Huynh Nguyen_