RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN

RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN

 

Tư duy phản biện là một kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21. Để giúp các con phát triển tư duy phản biện, hiện tại mình đang lập nhóm cho các con thực hành thuyết trình hàng tuần, theo 50 chủ đề khác nhau. Sau khi các con đã làm quen và thực hành tốt các bài thuyết trình, mình có kế hoạch gom nhóm để các con tranh luận với nhau.

 

Làm thế nào để hoàn thành bài thuyết trình theo chủ đề rèn luyện tư duy phản biện?

 

Mỗi chủ đề là một câu hỏi. Bài thuyết trình của con tập trung vào việc trả lời câu hỏi, thể hiện rõ ràng hai nội dung:

1. Tán thành hoặc phản đối quan điểm trong câu hỏi (Lựa chọn YES hoặc NO, Should hoặc Shouldn't)

2. Đưa ra các lập luận để bảo vệ quan điểm/lựa chọn của mình (trả lời câu hỏi WHY?)

 

Sau khi các con lựa chọn quan điểm, YES hoặc NO, vấn đề quan trọng nhất là con phải đưa ra được những lập luận, dựa trên cơ sở khoa học để bảo vệ quan điểm của mình. Nếu các con chỉ đưa ra lựa chọn mà không có lập luận để bảo vệ quan điểm hoặc lập luận quá yếu, không dựa trên cơ sở khoa học mà dựa vào cảm tính cá nhân thì sẽ rất dễ bị phản bác khi tham gia tranh luận.

 

Muốn có tư duy phản biện tốt, các con phải rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi TẠI SAO - WHY? Khi tìm thông tin trên internet, phải thường xuyên đặt câu hỏi để phân biệt đâu là ý kiến cá nhân (opinions) và sự thật - lập luận dựa trên bằng chứng khoa học (facts).

 

Con học được gì?

 

Những chủ đề mình đưa ra đều rất gần gũi với học sinh. Các con dễ hiểu tuy nhiên để thực hiện được một bài thuyết trình hoàn chỉnh, con cần phải học kỹ năng tìm kiếm thông tin trên internet, kỹ năng sàng lọc thông tin, kỹ năng đặt câu hỏi để bảo vệ quan điểm, xác định độ tin cậy của thông tin, kỹ năng chuẩn bị bài thuyết trình, đăng tải video lên Youtube và làm phụ đề cho video.

 

Đặc biệt, điều mình mong muốn nhất qua những chủ đề này là giúp các con nâng cao nhận thức. Qua việc tìm hiểu thông tin, các con tự nhận thức đâu là điều nên làm, điều không nên làm. Tại sao các con không nên thức khuya, thức đến giờ nào thì gọi là khuya, thức khuya sẽ ảnh hưởng gì đến sức khỏe, việc học của các con. Tại sao các con phải ăn uống điều độ, những thức ăn nào có ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần... Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Có nhận thức đúng chưa chắc dẫn đến hành động đúng. Nhưng có nhận thức sai chắc chắn các con sẽ hành động sai. Vì vậy mình rất mong muốn các bạn 10 tuổi trở lên tham gia thực hành các chủ đề này. Khi đã có nhận thức rõ ràng, đầy đủ, các con sẽ tự hiểu mình cần sống như thế nào cho khỏe mạnh và tạo được thói quen luôn suy nghĩ có chiều sâu, luôn tỉnh táo phân tích vấn đề, hạn chế đưa ra ý kiến cảm tính. Bố mẹ sẽ không phải mất công nhắc nhở, giải thích cho con những điều rất cơ bản.

 

Qua một số bài thực hành, mình thấy các con hiện tại còn khá hạn chế về tư duy phản biện. Một số bạn vì chưa đủ vốn từ hoặc chưa biết cách tìm thông tin trên internet nên hiểu sai câu hỏi. Các con chưa trả lời vào trọng tâm câu hỏi hoặc câu trả lời là ý kiến chủ quan. Những ý kiến như vậy khi đi vào tranh luận rất dễ bị bác bỏ. Bố mẹ cần hỗ trợ con kỹ năng đặt câu hỏi, chọn lọc thông tin trên internet. Bố mẹ đặt câu hỏi cho con, đặc biệt là các câu hỏi TẠI SAO xoay quanh câu trả lời và các lập luận của con. Nếu con chưa trả lời bố mẹ được ngay cũng không sao, quan trọng nhất là gợi lên cho con câu hỏi, khuyến khích con tìm thông tin để bảo vệ quan điểm hoặc thay đổi quan điểm. Bố mẹ hỗ trợ con bằng cách giúp con trình bày quan điểm, kết luận dựa trên các bằng chứng, số liệu khoa học, không phải là ý kiến chủ quan dựa trên kinh nghiệm cá nhân.

 

Hiện tại đang có 8 bạn tham gia thuyết trình. Những bạn nhỏ, mới tham gia làm chưa tốt bố mẹ nên hỗ trợ, động viên con. Hiện tại có 3 bạn làm tốt là Eva, Sky và Albert. Eva và Sky đưa ra được quan điểm, trả lời tập trung vào câu hỏi và cung cấp các lập luận để bảo vệ quan điểm của mình. Bạn Albert đến bài thứ tư (Should kids be allowed to stay up as late as they want?) thì mình thấy bạn đã hoàn thành tốt yêu cầu khó nhất của mình là nâng cao nhận thức, ý thức về trách nhiệm gắn liền với quyền tự do lựa chọn. Đây là điều quan trọng nhất mà mình mong muốn các con đạt được thông qua hoạt động này.

 

Ghi chú: bài này mình xin phép không bàn về hình thức bài thuyết trình của các con, dù nó cũng là kỹ năng cần rèn luyện, vì nó không phải là nội dung trọng tâm trong hoạt động này.

— với Tống Yến và 7 người khác.

Bài viết cùng danh mục