RÈN Ý THỨC TỰ GIÁC CHO LỨA TUỔI THIẾU NIÊN

RÈN Ý THỨC TỰ GIÁC CHO LỨA TUỔI THIẾU NIÊN 

 

Có mẹ hỏi con cấp 2 mà sáng ngủ đến 8 giờ không thèm dậy đi học, phải đợi mẹ gọi thì phải làm sao? Con mê game học ngày càng kém thì phải làm sao? Con chưa có chí tiến thủ, làm việc hay bỏ dỡ giữa chừng thì phải làm sao?

 

Trong đa số trường hợp, trước hết bố mẹ cần xác định rõ hai điều:

1. Đừng trách con hư, con cần người định hướng đúng và người làm gương

2. Đừng tự trách mình là bố mẹ tồi, chỉ cần làm ĐÚNG PHƯƠNG PHÁP và KIÊN TRÌ HÀNH ĐỘNG

 

Các bạn trên 10 tuổi có tật xấu thường là do chưa có ý thức tự lập, chưa được bố mẹ rèn luyện ý thức và kỹ năng tự lập nên càng lớn càng phát sinh nhiều vấn đề. Bố mẹ cần dạy con tự chịu trách nhiệm với bản thân, có ý thức chăm sóc anh chị em và giúp đỡ bố mẹ.

 

Bố mẹ học theo WorldE đều đã được học phương pháp Lắng nghe thấu hiểu và đồng hành cùng con. Nhưng tại sao có người thành công có người chưa? Tại sao có người làm cô giáo, dạy con người khác được mà dạy con mình thì mãi vẫn không được? Trừ những trường hợp quá đặc biệt, bố mẹ không có thời gian gần gũi con, vấn đề quan trọng nhất nằm ở bước kiên trì hành động. Phương pháp chỉ là lý thuyết, phải hành động mới có kết quả. Nhiều bố mẹ hiểu rõ lý thuyết nhưng đến khi hành động thì làm theo bản năng, làm sai phương pháp hoặc làm được vài hôm đã nản chí, không kiên trì. Bố mẹ không kiên nhẫn với con thì nói có hay cỡ nào con cũng thấy lời nói không đi đôi với việc làm, con không tin.

 

Những bạn càng lớn, bố mẹ càng phải kiên trì. Các bạn vào cấp hai mà còn chưa có ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm thì phần nhiều bố mẹ phải mất cả năm để rèn con. Cái cây càng lớn càng cứng. Con càng lớn càng có suy nghĩ riêng, độc lập, bố mẹ muốn thuyết phục phải mưa dầm thấm lâu. Bố mẹ muốn con nghe lời, bỏ thói hư tật xấu thì phải dành thời gian nhiều hơn để rèn ý thức, tính cách cho con. Phải cân nhắc ưu tiên giữa việc rèn tính cách và kỹ năng, kiến thức. Vấn đề hôm nay thấy là nhỏ, không xử lý, ngày mai sẽ tích tụ thành vấn đề lớn.

 

Những việc nên làm:

1. Dạy con tự chịu trách nhiệm với bản thân

- Việc học là việc của con, không đi học nữa thì đi làm

- Việc cá nhân thì phải tự lo, đừng đợi người khác nhắc nhở

- Cần ai hỗ trợ, giúp đỡ thì phải chủ động đề nghị

2. Dạy con biết yêu thương và chăm sóc anh chị em

- Anh chị em phải biết hỗ trợ nhau

- Anh chị em phải biết cách chăm sóc lẫn nhau

- Anh chị em phải biết chia sẻ với nhau

3. Dạy con giúp đỡ bố mẹ

- Việc nhà là việc chung, tất cả mọi người trong gia đình đều có nghĩa vụ làm việc nhà

- Nhờ con hỗ trợ bố mẹ xử lý một số công việc riêng của bố mẹ mà vừa sức của con

4. Dạy con làm việc có mục đích và mục tiêu rõ ràng

- Giải thích rõ ràng việc bố mẹ muốn con làm phục vụ mục đích gì

- Đề ra mục tiêu rõ ràng, thời hạn, những công việc cần gì, cách đánh giá kết quả

5. Dạy con làm việc có kế hoạch

- Lập kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý, năm

- Theo dõi, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch hàng tuần

- Khen ngợi động viên và góp ý hàng tuần

 

Những điều nên tránh:

1. Để con phụ thuộc vào bố mẹ

Việc cá nhân thì con phải tự làm, tự chịu trách nhiệm. Không đi học thì đi làm tự nuôi bản thân. Vì sợ con khổ nên bố mẹ sự biến mình thành người phục vụ, suốt ngày đi theo nhắc nhở con. Có những người đến năm 30 tuổi vẫn đợi bố mẹ nhắc mới làm. Con không có ý thức vì bố mẹ quá bảo bọc.

 

Cần nói rõ ràng với con, con tự chịu trách nhiệm về những việc con làm, người khác, kể cả bố mẹ, chỉ hỗ trợ chứ không chị trách nhiệm thay con được. Ba mẹ không sống cả đời với con, con tự biết chăm lo cho bản thân càng sớm thì sau này càng nhàn.

 

2. Vì hoàn cảnh nên nhắm mắt cho qua

Mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai nên không có lời giải chung cho tất cả mọi người. Có thể bố mẹ không thay đổi được hoàn cảnh, nhưng có thể thay đổi cách nhìn. Hoàn cảnh có thể khác nhau nhưng nguyên tắc chung thì không đổi. Đừng vì hoàn cảnh mà lấy lý do để phá bỏ nguyên tắc. Khi bạn đủ quyết tâm, bạn sẽ tìm ra cách làm. Bố mẹ đề ra nguyên tắc rồi tự mình xé bỏ thì con cũng sẽ có cả triệu lý do để không tuân thủ nguyên tắc do bố mẹ đặt ra.

 

Con đi học trễ thì sao? Con đi học trễ vài ngày không ở lại lớp. Có ở lại lớp cũng không chết. Tại sao một đứa trẻ Singapore 10 tuổi đã có thể tự đi từ Sing về SG thăm ông bà được mà con mình có mỗi việc tự đi học không làm được?

 

Nhà xa trường quá nên ngày nào cũng phải hò hét để con đi học, bố mẹ đi làm đúng giờ. Vậy bố mẹ thử xin nghỉ ở nhà hoặc làm tại nhà 1 ngày, ngồi nhà đợi con nấu cơm ăn xem sao. Con không nấu thì hôm nay hai mẹ con mình thân ai nấy lo.

 

Con không nấu cơm đói thì sao? Bụng đói đầu gối phải bò. Đói 1 bữa không chết ngay được, ăn trễ 1 bữa trời không sập được.

 

Con làm việc chậm chạp, mất thời gian thì sao? Mục đích của chúng ta là giáo dục con có ý thức trách nhiệm, không phải dạy con nấu cơm ngon, gọt trái cây đẹp. Làm chậm thì ban đầu làm ít việc, rồi tăng dần lên để con học cách phân biệt việc nào là quan trọng.

 

Khi con còn nhỏ, vừa ăn vừa đi rong, xem TV, điện thoại chính là tập cho con thói quen xấu. Thói quen xấu lúc nhỏ không sửa thì lớn lên thành vấn đề làm cha mẹ đau đầu.

 

Có người nói mình chỉ có 1 con làm sao biết kinh nghiệm nhà có 2-3 con. Nói chuyện anh chị trông em với mình cũng như không. Nhưng cũng có bạn ấn tượng vì thấy Albert có thể trông 3 bạn nhỏ cùng lúc. Từ khi còn nhỏ, mình đã dạy bạn ấy, khi đi bộ trên đường, ba là người đi ngoài cùng vì ba khỏe nhất, ứng biến nhanh nhất, kế đến là mẹ, người đi trong cùng là con. Khi vào cấp 1 thì bạn ấy phải đổi vị trí cho mẹ vì con đã lớn. Theo nguyên tắc đó, Albert áp dụng vào việc chơi với các em, để giữ cho các em an toàn. Khi Albert khó chịu với các em nhỏ, mình thường nói riêng với bạn ấy, các em còn nhỏ, tay chân phải vận động để phát triển, ngày xưa con cũng vậy. Con lớn hơn, nên rộng lượng. Trẻ con thì phải nghịch, chỉ có khi nào tụi con ốm mới không nghịch thôi. Lúc đó bố mẹ còn lo lắng hơn. Con cứ kệ các em nghịch, chỉ cần các em không tự gây nguy hiểm cho mình và cho người khác là được.

 

Con một như Albert nhà mình, nếu không rèn luyện từ nhỏ, biết đâu giờ này trong nhà đang có 1 ông trời con, cả nhà cơm dâng nước rót hầu cụ là hết ngày. May mắn thì con chăm chỉ học, còn bất hạnh thì con ăn chơi đàn đúm, đua đòi với các bạn. Mình biết 1 bạn con một, 30 tuổi ngồi nướng thịt mà không biết thịt thế nào là chín. Từ nhỏ bạn ấy chỉ ăn thịt, không ăn cá. Tiền làm ra chỉ cần nghĩ đến việc mua sắm và đi chơi, trong nhà chi tiêu thế nào bạn ấy hoàn toàn không biết. Lỗi này do ai?

 

3. Làm được vài hôm lại bỏ cuộc

Con người thấy cái gì mới cũng hào hứng. Nhưng ít người chịu làm cho đến khi xong việc. Dù con có là người thông minh xuất chúng hay không, nhất định phải kiên trì mới có thành quả. Thế giới có rất nhiều thiếu niên được ca ngợi là thần đồng, sau vài năm biến mất không còn lưu lại tên tuổi gì. Không phải họ kém thông minh đi, mà cốt ở không chịu khó rèn luyện. Bạn làm giáo viên, dù biết hết lý thuyết nhà trường dạy cho rồi, cũng phải dạy vài năm mới thành giáo viên giỏi được. Dù bạn có làm thợ hồ, kế toán hay kỹ sư cũng vậy. Lý thuyết học như nhau, người nào chịu khó làm việc chăm chỉ, tập trung để tâm vào công việc thì sẽ có kết quả tốt.

 

Dạy con kiên trì, nhẫn nại, gặp khó khăn không bỏ cuộc. Khen con học hành chăm chỉ, không ngừng cố gắng. Nhìn vào kết quả và cả quá trình nỗ lực của con. Không nên chỉ nhìn vào kết quả, khen con thông minh, tài giỏi. Đến khi con gặp khó khăn sẽ cảm thấy nghi ngờ, nghĩ rằng bố mẹ nói dối, mình không thông minh, sợ thất bại, không cố gắng nữa.

 

Bố mẹ tạo được thói quen cho con rồi nhưng không kiên trì hành động theo thói quen, được một thời gian con chán và bỏ cuộc. Bố mẹ đi làm hàng tháng có đánh giá, có lĩnh lương thưởng. Nhưng khi con làm việc không đánh giá, không khen ngợi, không động viên, không vạch ra lộ trình phát triển tiếp theo cho con.

 

4. Nói một đằng làm một nẻo

Bố dạy con phải chăm chỉ học nhưng bố đi nhậu thì nhiều mà đi học thì ít. Bố mẹ dạy con chăm đọc sách nhưng cuối tuần bố mời bạn đến nhà nhậu nhiều hơn dẫn con đi nhà sách.

 

Có lần Albert nói đỡ cho mình, mình đi nhậu là vì công việc. Mình bảo đi nhậu vì thích bù khú, thích ngồi nghe bạn bè tán láo, chứ liên quan gì đến việc kiếm tiền đâu. Trong top 100 người giàu nhất thế giới hoặc giàu nhất VN có ông nào bảo vì chăm nhậu nên giàu đâu.

 

Bố mẹ dạy con phải trung thực nhưng đi xe toàn để ý chỗ không có công an để vượt đèn đỏ, chạy lấn tuyến thì có một tỷ lý do để bao biện. Bố mẹ nổi điên khi phát hiện con nói dối nhưng bản thân tự cho là thông minh khi lừa được người khác. Đôi khi còn đắc ý vì lừa được con mình.

 

5. Dạy con phải biết nhận lỗi mà bố mẹ thì giỏi lấp liếm

Các bạn thiếu niên mà có tật xấu, bố mẹ cứ ngồi chăm chăm soi vào cái xấu của con thì con càng phản kháng mạnh. Chi bằng dũng cảm tự nhận lỗi của mình, vạch ra kế hoạch để bố mẹ cùng con cố gắng làm cho mọi việc tốt hơn, kiên trì nhẫn nại.

 

Có lần mình dẫn Albert đi hội thảo, bạn ấy chần chừ không quyết đoán nên để lỡ mất cơ hội nhận quà. Khi về nhà, mình nói với bạn ấy, lúc đó ba rất giận nhưng ba nghĩ lại, vì con lớn lên với ba, càng lớn càng giống tính ba nên chuyện con chần chừ là vấn đề của ba nhiều hơn là của con.

 

Albert hồi mới tham gia zoom, chỉ sợ cô giáo gọi đến. Hôm nào cô không gọi trả lời là mừng lắm. Bây giờ bạn ấy bảo zoom dễ hơn cả thuyết trình, cứ mở lên là nói thôi. Phát biểu trước cả trường cũng như zoom, cứ nói thôi có gì đâu. Đó là kết quả hơn 50 buổi kiên trì học cách chủ trì zoom.

 

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, các con cũng cần có người yêu thương, lắng nghe thấu hiểu và có người làm gương cho con. Bố mẹ chính là tấm gương hàng ngày của con. Bố mẹ tự sửa mình, không ngừng nỗ lực chính là tấm gương tốt cho con noi theo. Ngày hôm nay bỏ thời gian rèn cho con thói quen tự lập là để sau này con biết tự lo cho bản thân, bố mẹ không cần phải suốt ngày lao tâm khổ tứ vì con nữa.

Khoá học zoom 20 chủ đề của Worlde vô cùng đặc sắc và thiết thực sẽ giúp con bạn tự tin hơn trong thuyết trình và tương tác phản biện trên ngôn ngữ Anh. Liên hệ: www.worlde.com.vn để tham khảo khoá học

 

Bài viết cùng danh mục